Nghịch lý: Mặt hàng chứng kiến khủng hoảng tại Mỹ, người dân không có để mua lại đang được bày bán giải cứu tràn lan tại Việt Nam, giá rẻ bất ngờ

Tại Mỹ, trứng gà là mặt hàng đã gây nhức nhối trong năm vừa qua. Theo Cục Thống kê và Lao động Mỹ, giá trứng đã tăng 150% trong tháng 1 so với một năm trước là 4,8 USD/tá, làm dấy lên mối lo ngại của người tiêu dùng. Tính riêng tháng 1, giá trứng đã tăng 8,5% so với thời điểm tháng 12/2022.



Sở dĩ giá trứng tăng cao như vậy tại quốc gia này là do dịch cúm gia cầm đã tàn phá thị trường chăn nuôi gia cầm trong năm vừa qua, làm hạn chế nguồn cung quốc gia. Thêm vào đó, chi phí thức ăn và vận chuyển tăng cao đã góp phần thúc đẩy giá mặt hàng này.

Tại thị trường bán buôn, giá trứng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 12 và liên tục giảm kể từ đó. Nhưng cho đến nay, những sự sụt giảm đó vẫn chưa chạm đến tay người tiêu dùng. Thậm chí giá bán buôn đã tăng hơn 300% kể từ đầu năm 2022 và so với các mặt hàng tạp hóa khác, giá trứng tăng mạnh nhất. Ngoài dịch bệnh, giá lương thực còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cũng như các cuộc khủng hoảng quốc tế như xung đột ở Ukraine, đã ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.

Nhiều mặt hàng chủ lực khác đã trở nên đắt đỏ hơn trong năm qua. Bột mì tăng 20,4%, bánh mì đắt hơn 14,9%, đường tăng 13,5% và sữa tăng 11%. Giá thịt gà tăng 10,5% và giá trái cây và rau củ cùng tăng 7,2%. Xúc xích đắt hơn 11,4%. Xúc xích ăn sáng tăng 10,1%.

Còn tại Việt Nam, trứng gà lại đang ở một diễn biến khác. Những ngày gần đây, người dân không khó để bắt gặp những xe bày bán trứng gà khắp các đường phố Hà Nội với quảng cáo giải cứu trứng. Dạo một vòng quanh con đường Nguyễn Ngọc Vũ, Láng,… rất nhiều người bán đề biển với giá siêu rẻ, chỉ 60.000 – 65.000 đồng/30 quả trứng.

Như vậy, mỗi quả trứng chỉ có giá khoảng 2.000 đồng/quả. Nếu so với mức giá của Mỹ là 4,8 USD/tá (tương đương 9.500 đồng/quả), trứng gà tại Mỹ đang có giá gấp gần 5 lần so với tại Việt Nam.

Tại các trang mạng xã hội, trứng gà cũng được rao bán rầm rộ và còn đa dạng mức giá hơn so với các địa điểm bán trực tiếp. Giá trứng được rao bán với giá 65.000 đồng/30 quả, 85.000 đồng/30 quả thậm chí 100.000 đồng/50 quả và nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.

Theo chia sẻ của 1 người bán hàng, giá trứng gà rẻ như vậy là do sau Tết, nhu cầu giảm, trứng gà tiêu thụ rất chậm. Thêm vào đó thời tiết những ngày gần đây nồm ẩm, nhà cửa và trang trại ẩm ướt dẫn đến không bảo quản được lâu, dễ hỏng hoặc mốc. Chính vì vậy người bán buộc phải bán rẻ để giải phóng hàng hóa.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu bất động sản rơi xuống đáy Covid, doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa “rụng như sung”

Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu bất động sản rơi xuống đáy Covid, doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa “rụng như sung”

Sau hơn một năm, chứng khoán Việt Nam đã có đến 19 doanh nghiệp phải rời danh sách tỷ USD vốn hóa trong đó gần một nửa đến từ nhóm bất động sản.

Thời gian gần đây, câu chuyện xoay quanh lĩnh vực bất động sản trở thành đề tài tốn nhiều giấy mực của giới phân tích. Những luồng thông tin trái chiều từ các Hội nghị quan trọng vừa diễn ra đã “hâm nóng” bầu không khí có phần ảm đạm của nhóm cổ phiếu BĐS trên sàn chứng khoán.

Một loạt “cổ đất” bất ngờ đi tàu lượn cùng giao dịch sôi động. Điển hình như NVL của Novaland có thời điểm đã thủng đáy xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết sau 3 phiên sàn liên tiếp trước khi bật tăng trở lại. Tương tự, nhiều cái tên khác như DXG, PDR, HPX, NLG, DPG,... cũng giảm rất mạnh trước khi hồi trở lại.

dù vậy, rất nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn đang “ngụp lặn” vùng đáy cùng mức giảm 70-80%, thậm chí lên đến 90% sau hơn một năm. Chỉ số VNREAL - đại diện cho nhóm cổ phiếu BĐS trên sàn HoSE, cũng rơi một mạch từ đỉnh xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 5 năm, tương đương với đáy Covid.

Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu bất động sản rơi xuống đáy Covid, doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa “rụng như sung” - Ảnh 1.

Chỉ số VNREAL - đại diện nhóm BĐS trên HoSE rơi xuống vùng đáy 5 năm

VNREAL - VNAllShare Real Estate là chỉ số đại diện cho nhóm BĐS trên sàn HoSE, hiện bao gồm 44 cổ phiếu với tổng khối lượng lưu hành hơn 22 tỷ đơn vị. Tổng giá trị vốn hóa lên đến gần 700.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% toàn sàn HoSE chỉ sau nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).

So với đỉnh hồi đầu năm 2022, VNREAL đã “bốc hơi” hơn 55%, tệ hơn nhiều so với mức giảm 30% của VN-Index trong cùng giai đoạn. Điều này phần nào cho thấy áp lực bán tháo rất mạnh đè nặng lên nhóm BĐS. Cổ phiếu giảm kéo theo vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp BĐS cũng bị thổi bay hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng sau hơn một năm.

Đến thời điểm hiện tại, toàn sàn chứng khoán có 43 doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa nhưng chỉ còn đúng 4 đại diện nhóm BĐS là Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Reatail (VRE) và Becamex IDC (BCM). Riêng top 3 doanh nghiệp giá trị nhất thị trường đã không còn cái tên nào trong nhóm BĐS sau nhiều năm VIC và VHM thường xuyên “chễm chệ” trên đỉnh danh sách với vốn hóa trên 10 tỷ USD.

Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu bất động sản rơi xuống đáy Covid, doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa “rụng như sung” - Ảnh 3.

Màu cam là các doanh nghiệp BĐS

So với thời điểm khởi đầu năm 2022, chứng khoán Việt Nam chỉ có thêm 3 thành viên mới vào nhóm tỷ USD vốn hóa là REE Corp (REE), PNJ và VNG (VNZ) nhưng có đến 19 cái tên đã phải rời danh sách này. Đáng chú ý, gần một nửa trong số đó là các doanh nghiệp bất động sản gồm Novaland (NVL), Sunshine Homes (SSH), Nhà Khang Điền (KDH), Kinh Bắc City (KBC), Thaiholding (THD), Nam Long (NLG), DIC Corp (DIG), và Phát Đạt (PDR).

Tính theo số tuyệt đối, Novaland là doanh nghiệp có vốn hóa “bốc hơi” lớn nhất trong số những cái tên rời câu lạc bộ tỷ USD. Sau hơn một năm, vốn hóa của doanh nghiệp BĐS này đã mất đến gần 153.000 tỷ, xuống chỉ còn 22.700 tỷ đồng. Theo sau trong nhóm “rớt đài” lần lượt là những cái tên như Thaiholding (giảm 83.000 tỷ), DIC Corp (giảm 39.700 tỷ) Phát Đạt (giảm 39.600 tỷ),...

Sau thời gian phát triển nóng và có phần dễ dàng, hoạt động các doanh nghiệp BĐS đã gặp nhiều khó khăn trong hơn một năm qua do thắt chặt quản lý 2 kênh huy động vốn là tín dụng ngân hàng và TPDN. Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà và nguồn cung mới bị sụt giảm trong quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi.

Trải qua hơn một năm đầy giông bão, nhóm BĐS được dự báo vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt thời gian tới dù thông điệp từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2 đã cho thấy nỗ lực từ phía cơ quan chức năng trong việc đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đưa thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS cũng phải chủ động tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động để vượt khó thay vì chỉ ngồi chờ “giải cứu”. Trước mắt, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới được đề xuất nếu được thông qua sẽ cho các doanh nghiệp BĐS thêm thời gian để tái cấu trúc, cải thiện tình hình kinh doanh và xoay sở dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh cao điểm đáo hạn trái phiếu sẽ rơi vào giai đoạn 2023-24.

Theo VNDirect, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp BĐS niêm yết hiện tốt hơn so với giai đoạn 2011-13 và kỳ vọng chu kỳ đi xuống sẽ diễn ra ngắn hơn và ít thiệt hại hơn. Giá căn hộ sơ cấp trung bình được dự báo sẽ giảm 5- 10% và lượng căn hộ tiêu thụ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Ngoài ra, VNDirect cũng kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi 2023 sẽ được ban hành như kế hoạch vào nửa cuối 2024, có thể giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ 2024-25.

Hà Linh cafef

Nhịp Sống Thị Trường


Phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam: Một số tồn tại cần khắc phục

Việt Nam đã có các quy định cơ bản về trái phiếu xanh, song việc thiết lập khung khổ pháp lý xoay quanh trái phiếu xanh vẫn tồn tại các hạn chế cần hoàn thiện.

Hiện nay, thị trường trái phiếu xanh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Theo Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay liên quan đến vấn đề pháp lý của thị trường trái phiếu xanh vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện.

Liên quan đến hoạt động phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Nam (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) đã đưa ra những quan điểm, góc nhìn về vấn đề này.


Trái phiếu xanh đang được dư luận quan tâm (ảnh minh họa)

Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập khung khổ trái phiếu xanh như thế nào?

Ông Nam đã tham khảo khung khổ trái phiếu xanh tại EU và có góc nhìn khá đa chiều. EU đã thiết lập khung khổ trái phiếu xanh NextGenerationEU dựa trên những nguyên tắc của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). Đây được xem là cam kết của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc xác nhận định hướng phát triển tài chính bền vững của các quốc gia thành viên.

Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh được sử dụng cho các dự án với 9 hạng mục có trong danh sách. Quy trình đánh giá, lựa chọn phân bổ chi tiêu cho các dự án được xác định dựa trên chi phí liên quan đến khí hậu theo Kế hoạch Tái lập và Phục hồi (RRP), điều kiện đủ cho mỗi dự án ít nhất 37% giá trị của RRP phải được đầu tư vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu . EC sẽ theo dõi và quản lý các khoản chi tiêu liên quan.

Tiêu chí về trái phiếu xanh tại EU được xem xét 2 hệ số: hệ số khí hậu và hệ số môi trường, đánh giá theo 3 mức độ là 0%, 40% và 100%. Trong trường hợp hệ số khí hậu dưới 37% (tức 0%), thì dự án xem như không đủ điều kiện. Trường hợp hệ số khí hậu trên 37% (40% hoặc 100%), thì xem xét các trường hợp cụ thể.

Nếu hệ số khí hậu là 40%, thì EC tài trợ thông qua trái phiếu xanh chỉ 40% tổng chi tiêu dự án RRP; khi hệ số khí hậu đạt 100%, thì dự án đủ điều kiện trái phiếu xanh 100%; trường hợp dự án đạt 40% hệ số khí hậu và 100% hệ số môi trường, dự án được coi là đủ điều kiện trái phiếu xanh 100%.

Trong trường hợp, nếu EC cho rằng, các khoản đầu tư của trái phiếu xanh cho thấy tác động môi trường là chưa được chứng minh đầy đủ, thì dự án sẽ chỉ được tài trợ phù hợp với hệ số khí hậu là 40%.

Ngoài ra, EC sử dụng 2 báo cáo để cho biết tiền đã được phân bổ, tiền thu được chưa phân bổ, tái cấp vốn hay đồng tài trợ trong báo cáo phân bổ và thành tựu đạt được trong báo cáo tác động.

Ngày 16/12/2022, EC công bố báo cáo phân bổ đầu tiên về trái phiếu xanh NextGenerationEU. Báo cáo thống kê về chi phí sử dụng cho 9 hạng mục từ 11 quốc gia thành viên, gồm Bulgaria, Croatia, Síp, Pháp, Hy Lạp, Ý, Latvia, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia và Tây Ban Nha về các khoản chi đủ điều kiện nhận tài trợ từ trái phiếu xanh. Trong đó, Bulgari, Latvia, Slovakia và Romania chưa phát sinh chi phí đủ điều kiện.

Về thẩm quyền, EC thực hiện kiểm toán trước và sau các khoản cấp tài trợ dự án, kiểm toán đối với hệ thống giám sát của các quốc gia thành viên dựa trên mức độ rủi ro về việc hoàn thành các mốc mục tiêu liên quan đến khí hậu mà dự án đặt ra trong RRP.

EC cũng sẽ thiết lập khuôn khổ kiểm soát và thủ tục đánh giá trái phiếu xanh, đảm bảo không có trái phiếu xanh của doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hình thành từ hạt nhân hoặc khí đốt. Trường hợp vi phạm, EC có quyền quyết định loại dự án bị loại khỏi danh sách tài trợ.

Một số vấn đề phát triển trái phiếu xanh ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đã có các quy định cơ bản về trái phiếu xanh. Tuy nhiên, việc thiết lập khung khổ pháp lý vẫn một số tồn tại cần sớm hoàn thiện.

Năm 2022, Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF). ICMA là một trong những đối tác của ACMF, nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp chính thức nào tại Việt Nam là thành viên của ICMA.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh trên thị trường còn rất khiêm tốn. Tháng 7/2022, EVNFinance là doanh nghiệp đầu tiên tại thị trường Việt Nam phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của ICMA. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1.725 tỷ đồng, lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, đơn vị tư vấn phát hành là VCBS và đơn vị bảo lãnh là GuarantCo.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng quy quy định, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán . Đối với dự án đầu tư công, chủ thể phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện.

Điều đáng nói, việc hỗ trợ này chưa kích thích được tổ chức phát hành trái phiếu xanh, bởi chi phí giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán không đáng kể. Trong khi đó, để được tài trợ vốn, chủ dự án xanh phải chứng minh với nhiều thủ tục rườm rà.

Thiết nghĩ, Chính phủ và cơ quan, ban, ngành nên xây dựng thêm những chính sách có tác động ngay đến doanh nghiệp, như chính sách thuế, chính sách hải quan, chính sách vay vốn ngân hàng… nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn hơn nữa hoạt động phát hành trái phiếu xanh.

Liên quan đến việc thiết lập khung khổ trái phiếu xanh tại Việt Nam. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của EU trong quá trình thẩm định dự án; xây dựng các tiêu chí về trái phiếu xanh dựa trên đánh giá hệ số khí hậu và hệ số môi trường của dự án. Các cơ quan, ban, ngành thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo (báo cáo phân bổ và báo cáo tác động). Việc khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện báo cáo trái phiếu xanh cũng là cần quan tâm hơn nữa.

Luật Chứng khoán hiện hành cần bổ sung khái niệm, cơ chế, quy trình và chính sách hoạt động trái phiếu xanh. Việc thiết lập khung khổ trái phiếu xanh có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm đầu tư xanh, tạo cơ sở thu hút, tiếp cận nhiều nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính vào Việt Nam. Nhà đầu tư có thể lựa chọn sản phẩm đầu tư trong danh mục, cân đối rủi ro trên thị trường.

Về việc bảo vệ thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam cần nâng cao vai trò của các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các dự án phát hành trái phiếu xanh.

Đặc biệt, việc phát triển sàn giao dịch điện tử trái phiếu cũng là một phương án được nhiều quốc gia lựa chọn để tạo thanh khoản, tăng tính minh bạch và đảm bảo thuận lợi trong việc quản lý thị trường.

Theo PV

Báo công thương